Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Published tháng 9 12, 2016 by Nặc danh with 0 comment

THÀNH CÔNG HAY THÀNH NHÂN

THÀNH CÔNG HAY THÀNH NHÂN  -   Phạm Lãng Yên

Bên quán cóc một chiều mưa bay, một người bạn cũ từ nước ngoài về tâm sự: “Tôi             xuất ngoại để cho mấy đứa con được học ở nước ngoài đã mấy năm nay, bây giờ       chúng nó thành đạt nhưng sống “kiểu Mỹ” rồi anh ạ. Vào phòng riêng phải gõ cửa,            phải xin phép nó. La rầy nó mấy câu, nó đòi gọi 911. Nó dắt bạn gái về nhà không cần hỏi thưa, xin phép; ăn uống xong xả rác bừa bãi, không thèm dọn dẹp rồi dắt   nhau lên phòng riêng, mặc kệ bố mẹ già lui cui rửa chén. Buồn lắm anh ạ. Bây giờ  tụi nó khác ngày xưa quá. Coi như tôi mất chúng nó rồi”
m  Bên hành lang sân trường một sớm mai đầy nắng, một người bạn đồng nghiệp than thở: “Em muốn con em thành đạt sau này nên em cho nó vào học trường “quốc tế” từ nhỏ, bây giờ sao nó khác quá anh ơi. Trước đây, em nói gì nó cũng vâng dạ nghe theo, giờ thì nó quay lại cãi tay đôi với em. Nó nói em lạc hậu, quê  mùa, không biết tôn trọng tự do cá nhân; thậm chí nó còn nói “tiếng Anh” suốt  ngày và không muốn sử dụng tiếng Việt để nói chuyện với em nữa.”
 Hôm nọ lại đọc được bài viết trên một tờ báo trong đó có ghi lại những phát ngôn   như đinh đóng cột của một vị giáo sư danh tiếng rằng “Những người Việt thành đạt đều là những người trưởng thành trong môi trường văn hóa phương tây.”Qua câu nói đó người ta cũng có thể hiểu là chỉ có tiếp cận với văn hóa phương tây thì mới thành đạt được. Dân tộc Việt Nam thì chỉ mới tiếp cận với cái văn hóa phương tây mà ông giáo sư nọ đề cập khoảng hơn trăm năm nay thôi. Như vậy bao nhiêu công trạng vĩ đại của các vị tổ tiên dân tộc Việt mấy ngàn năm qua xem như chẳng có gì ư?Tổ tiên chúng ta nếu biết hậu thế có kẻ ăn nói xằng bậy như thế chắc buồn lắm hay các chư vị chỉ cười thầm, chép miệng mà rằng: “Ôi bận tâm làm gì những phường vô ơn, bạc hạnh nhiều như cỏ rác đó; “thi ân không cầu đền đáp”; chúng nó biết ơn thì mới là điều lạ, còn vô ơn thì là điều rất đỗi bình thường thôi.”
 Người bạn ở nước ngoài cùng đứa con trai kia; chị bạn đồng nghiệp cùng cô con gái nọ;   ông giáo sư với những phát ngôn thiếu suy nghĩ kia là những đại diện tiêu biểu cho rất nhiều những con người có cùng một suy nghĩ, một niềm tin mãnh liệt rằng sự thành công của bản thân chính là ý nghĩa tối hậu của cuộc sống này – tất cả những nhân vậy này chắc hẳn đều là những tín đồ, những đệ tử trung thành hết mực của một giáo phái (tạm đặt tên là “Thành công thần giáo”) với tôn chỉ hoạt động của nó là “Thành Nhân không bằng Thành Công. Tất cả cho ‘thành công’ (hay thành đạt)”
 Hai từ “thành công” (hay thành đạt) của họ phải được hiểu là: “có học vị, học hàm càng cao càng tốt; văn bằng mang từ nước ngoài về càng có giá trị; được nổi tiếng, nhiều người biết đến; được xuất hiện trên truyền hình, báo chí; có một công việc ở những doanh nghiệp, những tổ chức với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, bổng lộc nhiều; nơi làm việc thật sang trọng; có xe con cho việc đi lại; có nhà cao cửa rộng, càng nhiều  càng tốt; có vợ (chồng) xinh đẹp và ‘thành đạt’ trong xã hội; con thì phải học trường ở nước ngoài nghĩa là trong môi trường văn hóa phương tây (theo ngôn từ của vị giáo sư nọ); và ..vân ..vân.”
 Có thể diễn tả ý nghĩa “thành công” một cách ngắn gọn trong hai từ là “danh” và “lợi”.
Như vậy hai từ “thành công” này chỉ hướng đến những những thành đạt nhằm “vinh thân phì da” cho bản thân họ thôi, chẳng phải là những công trạng to tát gì nhằm giúp ích cho đồng bào, cho dân tộc, cho nhân loại cả.
Với suy nghĩ đó, họ - những tín đồ của giáo phái kia – sẽ chấp nhận đánh đổi tất cả để có được “thành công”; đối với họ chuyện “thành nhân” là chuyện lẩm cẩm của mấy người già lạc hậu, cổ lỗ, quê mùa ngày xưa; là vớ vẩn; là nhảm nhí bởi vì thành nhân để làm gì khi mà chẳng kiếm ra được cái mà họ cần là “tiền bạc” và “danh vọng”.
 Khi người ta đã xem “thành nhân” là chuyện không quan trọng và bằng mọi giá để có “thành công” thì sản phẩm họ tạo ra chắc chắn là những kẻ rất “thành công” theo ý nghĩa nêu trên, nhưng cũng chắc chắn là chưa “thành nhân”; mà chưa “thành nhân” thì làm gì có nhân tính, lấy đâu ra nhân tính. Tính người và tình người chưa có hoặc không có thì làm sao có thể oán trách, thở than rằng:
“Tại sao những đứa con thành đạt kia không biết yêu thương cha mẹ?”
Đó là cái giá phải trả cho cái tôn chỉ, phương châm, cho cái định hướng giáo dục mà các ông, các bà, các anh, các chị đã hoặc đang chạy theo và tôn thờ nó. Đừng oán trời, trách người khi mình đã chọn cách sống “tất cả cho thành công” như thế.
 Họ hay người thân của họ  đã thành công rồi đó chứ; có học vị, học hàm đầy người; có việc làm tốt đẹp; có danh vọng đầy đủ; có tiền bạc dư thừa; thế nhưng họ chưa “thành nhân”, chưa là con người đích thực nên không thể tìm đâu trong những hình hài đó thứ nhân tính để họ biết yêu thương con người. Hệ quả của lối tư duy, lối sống này là vô số những trường hợp đau lòng có thể kể ra dưới đây:
Có những đứa con tuy đã lớn khôn, đã thành đạt nhưng không chút bận lòng khi rẻ khinh, xua đuổi bố mẹ chúng; có những giảng viên tuy đã thành danh nhưng lại chẳng có một chút tình  thương nào cho học trò khi sẵn sàng gạ gẫm các em nữ học sinh, sinh viên của mình trong một mối quan hệ đổi chác  tình và điểm; có những bác sỹ tuy đã thành danh nhưng chẳng một chút bận lòng trước nỗi đớn đau của những bệnh nhân cùng khổ khi từ chối khám chữa bệnh nếu bệnh nhân không đủ khả năng trang trải viện phí; có những kỹ sư dù đã thành danh nhưng chẳng hề động lòng thương cảm khi nhìn thấy người dân ngày ngày quằn quại trên những con đường đầy hầm hố, bụi mù do chính mình thiết kế rồi thi  công; có những vị quan tham tuy đã rất thành danh nhưng chẳng mảy may xót thương khi nhìn thần dân của mình đói khổ, mỗi ngày kiếm không đủ chén cơm, bát nước. Và có những vị giáo sư như ngài giáo sư danh tiếng kia không hề nghĩ đến hậu quả tai hại từ những lời nói của mình khi nó tác động đến hàng trăm ngàn sinh viên đã và đang nghe ông thuyết giáo.
 Chỉ tội nghiệp cho những chúng sinh phải đối mặt, phải chung sống với những loại “người” này. Họ là nạn nhân của những kẻ chưa thành nhân. Nhưng nghiệp lực đẩy đưa họ đến những hoàn cảnh nghiệt ngã nên đành cam chịu vậy; âu cũng là những món nợ từ những kiếp nào đến bây giờ phải trả. Chấp nhận trả những món nợ đời mình đã vay,  nhìn sự việc như thế sẽ bớt đau lòng khi phải trực diện hằng ngày với những hình hài tuy rất thành công nhưng vẫn chưa thể thành nhân này.




      edit

0 nhận xét:

Đăng nhận xét